sua dien lanh tai nha

Lựa chọn những sản phẩm phù hợp với lò vi sóng

Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất lò vi sóng thì không phải bất cứ vật dụng nào cũng có thế cho vào lò vi sóng được. Và cũng không hề ít các trường hợp xảy ra các tai nạn do người tiêu dùng không chú ý đến vấn đề này.

vat-dung-danh-cho-lo-vi-song

Lò vi sóng, lò nướng hiện đã trở nên phổ biến trong mỗi gia đình và là người bạn hữu ích cho người nội trợ. Để chế biến, nấu nướng thức ăn trong các loại lò này cần có những sản phẩm chuyên dụng với đặc tính phù hợp. Song, không ít người lúng túng khi chọn lựa và sử dụng sản phẩm dùng trong lò. Kết quả, một số sự cố đã xảy ra do người dùng hiểu sai về tính năng của sản phẩm, như: vật dụng dùng để hâm nấu trong lò đã bị nứt, biến dạng, thậm chí vỡ…

Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III, cho biết: Khi chế biến thức ăn trong lò vi sóng, có thể dùng sản phẩm từ các chất liệu: nhựa, thủy tinh, gốm. Với nhựa, cần chọn loại nhựa tốt, có nhiệt độ nóng chảy cao (thường được ký hiệu trên sản phẩm là nhựa PP hoặc có ghi chú sử dụng được trong lò vi sóng), để tránh trường hợp sản phẩm bị biến dạng và bị thôi nhiễm trong quá trình nấu; không sử dụng loại nhựa melamin vì các phân tử nhựa có thể bị bước sóng của lò phân cực thẩm thấu vào thức ăn; cũng không nên dùng những sản phẩm có màu sắc, hoa văn trong lò vi sóng.

Với sản phẩm thủy tinh thì càng cần cẩn trọng, vì theo TS Đỗ Quang Minh, Trưởng bộ môn Silicat, ĐH Bách khoa TP.HCM, thủy tinh vốn là vật liệu chịu sốc nhiệt kém. Nếu sản xuất thủ công, công nghệ sản xuất không hoàn chỉnh thì thậm chí trong điều kiện nhiệt độ bình thường, sản phẩm thủy tinh cũng có thể bị vỡ. Do đó, để tránh tình trạng nứt vỡ trong quá trình đun nấu, chỉ nên sử dụng sản phẩm đã được nhà sản xuất ghi chú là có thể sử dụng trong lò vi sóng, lò nướng. Với sản phẩm gốm, nên dùng những loại không có hoa văn, viền chỉ để hâm nấu.

Hầu hết các sản phẩm nhựa và sứ có thể sử dụng trong lò vi sóng đang được bán trên thị trường hiện nay chỉ có thể hâm thức ăn không quá ba phút. Vật dụng bằng nhựa sử dụng an toàn trong lò vi sóng thường sẽ có hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất, và giá cao hơn gấp năm lần trở lên so với nhựa thông thường.

Sản phẩm bằng thủy tinh có ba loại khác nhau: thủy tinh thông thường, thủy tinh cường lực và thủy tinh chịu nhiệt. Các ly, chén bát, tô, đĩa, chai lọ thủy tinh sử dụng hàng ngày được làm bằng thủy tinh thông thường, khả năng chịu nhiệt thấp, chỉ khoảng 1200C. Do vậy, không nên sử dụng sản phẩm thủy tinh thông thường hâm nấu thức ăn trong lò vi sóng để tránh gây nứt, vỡ.

Thủy tinh cường lực được sử dụng nhiều trong lĩnh vực xây dựng và một số đồ dùng nhà bếp. Khả năng chịu nhiệt khoảng 2800C nên một số sản phẩm có thể sử dụng được trong lò vi sóng nhưng không thể sử dụng được trong lò nướng. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn khi sử dụng sản phẩm làm bằng thủy tinh cường lực trong lò nướng nên đã xảy ra hiện tượng vỡ, nổ.

Thủy tinh chịu nhiệt (có tên tiếng Anh là heat resistant glass), được nấu đến nhiệt độ 4000C, khả năng chịu sốc nhiệt trên 1200C. Do vậy, sản phẩm làm từ thủy tinh chịu nhiệt thích hợp để bảo quản thực phẩm lâu dài và có thể đưa thẳng từ ngăn đông vào trong lò nướng, lò vi sóng để chế biến thức ăn. Sản phẩm thủy tinh sử dụng trong lò nướng cần phải có ký hiệu “Borosilicate” hoặc “có thể sử dụng trong lò nướng”. Các vật dụng bằng thủy tinh chịu nhiệt thường có giá cao hơn thủy tinh thông thường khoảng 10 lần.

vat-dung-dung-cho-lo-vi-song

Dù là thủy tinh chịu nhiệt hay thông thường, để sản phẩm được bền, vẫn cần phải biết cách giữ gìn, bảo quản. Trước tiên, cần tránh để sản phẩm bị sốc nhiệt quá độ so với mức chịu nhiệt của từng loại. Không đặt vật dụng đang nóng lên bề mặt lạnh, hoặc vào bồn rửa đã có nước. Sau khi rửa sạch nên rửa thêm bằng nước ấm có pha giấm hoặc nước cốt chanh; sau đó chùi nhẹ bằng khăn mịn để giữ được độ sáng bóng của sản phẩm. Không nên úp ngược thủy tinh vì có thể gây bám mùi bên trong và có thể gây sứt mẻ vật dụng. Không nên rửa đồ dùng thủy tinh bằng búi sắt hoặc những vật dụng có độ nhám để tránh việc làm trầy sản phẩm và làm sản phẩm dễ vỡ sau một thời gian sử dụng. Nếu phải xếp chồng thì nên đặt miếng lót giữa các sản phẩm để tránh ma sát, trầy xước.

Với cả sản phẩm bằng nhựa, gốm sứ hay thủy tinh thì cũng luôn nhớ rằng, không bao giờ được để sản phẩm chưa có thức ăn vào đun nấu trong lò, hay nấu một lượng thức ăn nhỏ trong một vật dụng quá lớn. Không dùng sản phẩm để thắng đường, làm tóp mỡ, đun nóng dầu hay mỡ trong lò vi sóng. Không đậy kín nắp khi cho vào lò nướng, lò vi sóng…

Ông Hoàng Lâm cho rằng, điều quan trọng nhất để sử dụng sản phẩm an toàn trong lò nướng, lò vi sóng là cần phải chọn đúng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không dùng theo quán tính. Nếu có nghi ngờ hay không hiểu rõ về sản phẩm thì không nên dùng tùy tiện.

Bài viết liên quan
Website: Sửa Điện Lạnh Tại Nhà
Được quản lý bởi: CTY TNHH DV KT CƠ ĐIỆN LẠNH SỐ ĐỎ
Điện thoai: 028.6670.4444 or 028.2217.5555
GPĐKKD: 0311593828. Do Sở KH & ĐT TP.HCM Cấp ngày 03/03/2012